Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP) Tính đến hết quý 1/2013, nợ của 17 nước thuộc Eurozone đã lên tới mức kỷ lục, chiếm tới 92,2% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khu vực, so với mức 90,6% của quý trước và 88,2% cùng kỳ năm ngoái. Hy Lạp là nước đầu tiên trong Eurozone phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" mạnh mẽ nhất sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Nợ công của nước này đã lên tới 160,5% GDP tăng so với mức 156,9% của quý trước và 136,5% của cùng kỳ năm ngoái. Nước có số nợ cao thứ hai là Italy, với tỷ lệ tương đương 130,3% GDP. Không chỉ riêng khu vực Eurozone, nợ trong toàn EU cũng tăng, với 21 nước châu Âu bị tăng tỷ lệ nợ so với GDP vào cuối quý 1/2013 so với quý 4/2012. Tỷ lệ nợ theo đơn vị quý tăng nhiều nhất tại hai nước là Ireland (hơn 7,7%) và Tây Ban Nha (hơn 4%), Bỉ đứng ở vị trí thứ ba (cũng hơn 4%). Từ thực tế trên, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp đặt từ năm 2009 dường như không giúp ích nhiều trong việc làm trong sạch ngành tài chính và lành mạnh hóa ngân sách của nền kinh tế khu vực EU. Không những thế, đây dường như chỉ là kế hoạch cắt giảm công ăn việc làm và các dịch vụ xã hội, dẫn đến nạn thất nghiệp và nghèo đói đối với hàng chục triệu người trên khắp châu Âu./.
(TTXVN)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét